Với 20 năm kinh nghiệm làm việc trong các vụ kiện về ngộ độc thực phẩm, luật sư Bill Marler từ Seattle đưa ra danh sách những thức ăn phổ biến gây ngộ độc dễ gặp nhất.
Bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Health Insider tiết lộ những gì mà một luật gia, từng giành được hơn 600 triệu đô la Mỹ từ các vụ kiện về ngộ độc thực phẩm, sẽ loại bỏ khỏi thực đơn của mình.
1. Sò, hàu sống
Ông Marler nói rằng số ca ngộ độc thực phẩm liên quan đến động vật có vỏ, trong vòng 5 năm qua đã tăng đột biến so với hai thập kỷ trước do sự nóng lên toàn cầu. Khi nước biển nóng lên, vi sinh vật phát triển mạnh, kết quả là những con sò, hàu sống mà người tiêu dùng ăn ngày càng nhiễm nhiều loại vi khuẩn gây ngộ độc.
2. Rau sống
Ngộ độc thực phẩm liên quan đến rau sống rất phổ biến. Tại Mỹ có hơn 30 vụ bùng phát vi khuẩn, chủ yếu là vi khuẩn Salmonella và E.coli, liên quan đến rau mầm trong hai thập kỷ qua do sai sót trong quá trình làm sạch và bảo quản.
3. Thịt tái
Nếu là tín đồ của món beefsteak chín tái, bạn nên suy nghĩ lại. Theo các chuyên gia, thịt cần được nấu ít nhất đến 71 độ C từ ngoài vào trong, nhằm tiêu diệt các vi khuẩn thuộc chủng E.coli hoặc Salmonella, vốn là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc.
4. Trứng chưa nấu chín
Trong những năm 1980 và đầu những năm 90, bệnh dịch Salmonella bùng phát phổ biến tại Mỹ do thói quen ăn trứng sống. Theo ông Marler, cơ hội ngộ độc thực phẩm từ trứng ngày nay thấp hơn nhiều so với cách đây 20 năm, nhưng tốt nhất bạn vẫn nên đề phòng.
5. Sữa và nước ép chưa tiệt trùng
Một phong trào lan truyền nhanh trên mạng internet khuyến khích mọi người uống sữa và nước trái cây nguyên chất, vì cho rằng việc thanh trùng sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng.Tuy nhiên, luật sư Marler nói rằng việc thanh trùng vẫn tốt hơn là đối mặt với nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Không thanh trùng tương tự như bỏ qua bước kiểm soát an toàn, làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus và ký sinh trùng.
6. Các loại trái cây và rau tươi ăn liền
Dù thuận tiện, vẻ ngoài "đã xử lý và chế biến" khiến nhiều người lơ là cảnh giác với chất lượng sản phẩm chứa đựng bên trong. Không chỉ vậy, việc sơ chế còn tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong thực phẩm.
Nguồn: http://soimattraisung.blogspot.com/ (Theo Health Insider)